Với đặc điểm địa lý của đất nước có nhiều đồi núi, cao nguyên và sông hồ, lại có mưa nhiều nên hàng năm mạng lưới sông suối vận chuyển ra biển hơn 870 tỷ m3 nước, tương ứng với lưu lượng trung bình khoảng 37.500m3/giây, rất thuận lợi cho việc phát triển các nhà máy thủy điện.
Vì vậy, cùng với việc tiếp tục triển khai xây dựng các nhà máy thủy điện có công suất lớn, do Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam làm chủ đầu tư, như Sơn La, công suất 2.400MW; Tuyên Quang 342 MW, Bản Vẽ 320MW, Ðại Ninh 300MW,… nhiều doanh nghiệp trong và ngoài ngành điện cũng mạnh dạn tự đầu tư xây dựng các nhà máy thủy điện công suất vừa và nhỏ, với gần 300 dự án có tổng công suất lắp máy khoảng 2.500MW đến 3.000 MW, tương ứng với lượng điện hàng năm khoảng 10 tỷ kW giờ.
Ði đầu trong việc phát triển thủy điện vừa và nhỏ là Tổng công ty Sông Ðà. Với thế mạnh của một tổng công ty đã tham gia xây dựng nhiều công trình thủy điện trọng điểm của quốc gia như: Thác Bà, Hòa Bình, Trị An, YaLy… Bằng kinh nghiệm của mình, Tổng công ty đang từng bước tự khẳng định là nhà đầu tư lớn các dự án năng lượng điện, với việc tự đầu tư nhiều công trình thủy điện có công suất từ vài MW đến hàng trăm MW. Bên cạnh các dự án thủy điện đã hoàn thành như thủy điện Sê San 3A (108MW), Cần Ðơn (77,6MW), Nậm Mu (12 MW), Nà Lơi (9,3 MW)… Tổng công ty đang thực hiện nhiều dự án thủy điện vừa và nhỏ ở miền trung và Tây Nguyên với tổng công suất hơn 40 MW.
Cùng với Sông Ðà, các Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA), Tổng công ty đầu tư và phát triển hạ tầng (LICOGI), Tổng công ty cổ phần xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam (VINACONEX)… cũng đã đầu tư xây dựng hàng chục công trình thủy điện nhỏ. Không chỉ có các tổng công ty lớn của ngành xây dựng, Công ty cổ phần sản xuất và kinh doanh xuất nhập khẩu Bình Minh (BITEXCO) một doanh nghiệp mới nổi lên từ lĩnh vực may mặc, nước khoáng và kinh doanh bất động sản, cũng tham gia xây dựng nhiều dự án thủy điện trên khắp lãnh thổ Việt Nam, như Eakrong, Nậm Mu, Sê San 3A, Bình Ðiền, Hố Hô… với tổng công suất hơn 500 MW và tổng vốn đầu tư gần 600 triệu USD.
Trong đó, có công trình BITEXCO liên doanh, liên kết với một số doanh nghiệp để cùng đầu tư xây dựng như Nậm Mu, Sê San 3A, Bình Ðiền. Nhưng có dự án BITEXCO mạnh dạn tự vay vốn đầu tư, như thủy điện Nho Quế 3 có công suất 99MW. Ðây là công trình thủy điện thuộc danh mục nguồn điện theo Quy hoạch điện VI đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, và được xây dựng trên địa bàn hai xã Lũng Pù và Sơn Vĩ, huyện Mèo Vạc, Hà Giang, là địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn. Dự kiến công trình sau khi hoàn thành đưa vào hoạt động cuối năm 2010, hàng năm cung cấp cho hệ thống điện quốc gia 466 triệu kW giờ điện.
Việc phát triển các dự án thủy điện, nhất là các dự án thủy điện vừa và nhỏ trong thời gian qua đã đóng góp một sản lượng điện đáng kể cho mạng lưới điện quốc gia. Chỉ riêng giai đoạn 2006-2010 có khoảng 1.000MW thủy điện nhỏ (mỗi nhà máy công suất dưới 30MW) sẽ đưa vào vận hành, góp phần tận dụng được nguồn năng lượng thiên nhiên hiện có, đồng thời tiết kiệm nguồn nhiên liệu than, dầu, khí đang ngày càng khan hiếm; điều hòa lượng nước cho nông nghiệp thủy lợi, giao thông vận tải và sinh hoạt của người dân, nhất là vào mùa khô; đóng góp quan trọng vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở những vùng khó khăn, bảo vệ an ninh-quốc phòng.
Tuy nhiên, để có nhiều công trình thủy điện, nhất là thủy điện nhỏ ở vùng sâu, vùng xa, vùng núi cao, các doanh nghiệp xây dựng mong muốn Nhà nước cần đề ra các chế độ chính sách ưu tiên đầu tư về vốn, thuế đối với các nhà máy thủy điện xây dựng ở vùng sâu, vùng xa; khuyến khích các doanh nghiệp, địa phương đầu tư xây dựng các nhà máy thủy điện nhỏ; có chính sách thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư điện lực; xem xét giá mua và bán điện một cách hợp lý, bình đẳng giữa các nhà đầu tư, từng bước theo cơ chế thị trường.
Theo Nhân dân